Chúng ta đều biết rằng cần phải kiểm soát tốt bệnh tiểu đường để ngăn ngừa các biến chứng. Nhưng thực thế, định nghĩa về việc “kiểm soát tốt bệnh tiểu đường” là như thế nào thì hiếm khi được giải đáp một cụ thể.
1. Định nghĩa về bệnh tiểu đường
Tiểu đường (còn gọi là đái tháo đường) là bệnh rối loạn chuyển hóa carbohydrate (glucid), protein (protid) và lipid. Bệnh đặc trưng bởi sự tăng nồng độ glucose trong máu do giảm tương đối (tiểu đường tuýp 2) hoặc tuyệt đối tiết insulin (tiểu đường tuýp 1). Khi tăng đường huyết vượt quá ngưỡng thận sẽ xuất hiện đường niệu (glucose trong nước tiểu).
Tiểu đường là một bệnh mãn tính không chữa khỏi, trừ một số trường hợp như: đái tháo đường thai kỳ, đái tháo đường do dùng thuốc…
Theo WHO, hiện nay có khoảng 422 triệu người trên thế giới mắc bệnh tiểu đường, tăng gấp 4 lần kể từ năm 1980. Chỉ tính riêng năm 2019, đái tháo đường là nguyên nhân trực tiếp gây ra 1,5 triệu ca tử vong. Sự gia tăng của đái tháo đường một phần là do sự gia tăng của tình trạng thừa cân, béo phì và thiếu hoạt động thể chất.
2. Định nghĩa về việc kiểm soát tốt bệnh tiểu đường
Theo BYT, kiểm soát tốt bệnh tiểu đường chính là khi kiểm soát đường huyết cùng với việc được tầm soát, phát hiện sớm các tổn thương cơ quan nhằm ngăn chặn và điều trị kịp thời.
Cụ thể là kiểm soát tốt đường huyết với mức đường trong máu đáp ứng đúng mục tiêu tiêu điều trị. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý, tuổi tác, các bệnh nền kèm theo,… mà mỗi người sẽ có mục tiêu điều trị khác nhau. Theo các chuyên gia y tế thì mục tiêu điều trị chung sẽ bao gồm việc duy trì được lượng đường trong máu khi đói, sau ăn gần như bằng với ngưỡng sinh lý bình thường của cơ thể. Cùng với đó là đạt mức HbA1c lý tưởng, nhằm làm chậm xuất hiện của các biến chứng tiểu đường.
Đồng thời, phải duy tri việc khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những biến chứng có thể gặp phải do tiểu đường như biến chứng trên mạch máu, trên mắt, thận, não, tim mạch, bàn chân,… để kịp thời điều trị sớm.
3. Hai phương pháp dinh dưỡng để kiểm soát tốt đường huyết
Cho đến hiện tại, chế độ dinh dưỡng và vận động là một phần quan trọng, thậm chí mang tính quyết định đến khả năng kiểm soát đường huyết của người tiểu đường.
Theo hướng dẫn của BYT, có 02 phương pháp đơn giản và dễ áp dụng dùng để điều chỉnh chế độ ăn của người tiểu đường:
- Phương pháp đĩa thức ăn
Theo phương pháp ăn theo đĩa thức ăn, sử dụng một dĩa ăn đường kính khoảng 1 gang tay (khoảng 20 cm). Một bữa ăn sẽ bao gồm:
-
- 1/2 của dĩa ăn này sẽ là rau củ không chứa tinh bột như bắp cải, cải xoong, măng tay, xà lách, củ cải, cà tím, bông cải xanh, cải thảo, su hào, đậu bắp, dưa chuột, rau chân vịt, bông cải Brussel, đậu xanh….
- 1/4 sẽ là chất đạm như gà, trứng, cá, bò, heo hoặc các loại đậu, tàu hủ…
- 1/4 còn lại sẽ là các thực phẩm chứa tinh bột như khoai tây, cơm, mì, trái cây hoặc một cốc sữa.
- Dùng kèm sẽ là nước lọc.
- Phương pháp bàn tay
Phương pháp này ước lượng phần ăn đơn giản dựa trên lòng bàn tay. Cụ thể một bữa ăn như sau:
-
- Chất xơ (rau, củ) lượng vừa 2 lòng bàn tay.
- Tinh bột hoặc trái cây vừa 1 nắm tay.
- Chất đạm (thịt cá, trứng) vừa 1 lòng bàn tay.
- Chất béo, bơ khoảng 1 ngón tay cái.
- Và 200ml sữa không đường.
4. Chế độ vận động cho người bị tiểu đường
Chế độ hoạt động thể lực đi cùng với chế độ dinh dưỡng phù hợp song song theo dõi đường huyết và dùng thuốc là những biện pháp rất cần thiết giúp cho người tiểu đường, giúp kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa biến chứng.
Vận động thường xuyên mang đến rất nhiều lợi ích như giúp giảm căng thẳng, giảm tình trạng đề kháng insulin cũng như giảm cân hữu hiệu. Khi bắt đầu tập luyện, cần lưu ý như sau:
- Lựa chọn bài tập thể dục vừa phải với thể lực: Tùy vào sức khỏe mà lựa chọn các bài tập hay môn thể thao phù hợp với bản thân. Với người lớn tuổi nên chọn các bài tập như đi bộ, yoga, đạp xe, thiền,…
- Tần suất vận động: nên duy trì mỗi ngày ít nhất 30 phút, có thể chia ra 2-3 lần tập nếu sức khỏe không đảm bảo. Nên tập đều đặn, ít nhất 5 ngày/tuần và không nghỉ tập thể dục 2 ngày liên tiếp.
- Nếu xuất hiện tình trạng hụt hơi, xây xẩm, choáng váng hay có những triệu chứng bất thường trong khi tập, cần phải ngưng tập ngay lập tức. Nếu kéo dài khoảng 10 phút trở lên, không có dấu hiệu thuyên giảm, hãy yêu cầu sự trợ giúp y tế khẩn cấp. Trường hợp các triệu chứng ổn định trong vòng 10 phút, sau buổi tập, bạn cũng cần đến bác sĩ càng sớm càng tốt để kiểm tra trước khi tiếp tục các buổi tập tiếp theo.
Hiện tại vẫn chưa có thuốc điều trị khỏi bệnh tiểu đường. Vì thế, việc tuân thủ điều trị của bác sĩ là bắt buộc. Cùng với đó là thay đổi lối sống cũng như tăng cường vận động để giúp kiểm soát tốt bệnh tiểu đường, phòng ngừa các biến chứng và giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.