Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh lý mãn tính không lây có tỷ lệ mắc ngày một trẻ hóa với nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm cực kỳ cao. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể được kiểm soát nếu như người bệnh hiểu rõ về bệnh, các phương pháp điều trị cũng như cách phòng tránh biến chứng.

Bệnh đái tháo đường là gì?

Đái tháo đường (còn gọi là tiểu đường) một bệnh mãn tính xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ lượng hormon insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu hoặc khi cơ thể gặp phải tình trạng đề kháng insulin dẫn đến không thể sử dụng hiệu quả được insulin.

dai thao duong nguyen nhan, dieu tri phong ngua
Bệnh đái tháo đường có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm

Bệnh đái tháo đường là một trong bốn bệnh không lây nhiễm chính và tỷ lệ mắc bệnh toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO), tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở người trưởng thành từ 18-69 tuổi là 4,1%. Tuy nhiên, chỉ có 28,9% người mắc bệnh đái tháo đường được quản lý, có nghĩa là hầu hết người mắc căn bệnh này (hơn 70%) không được điều trị.

Phân loại bệnh đái tháo đường.

Bệnh đái tháo đường được xếp vào nhóm bệnh lý nội khoa rất phổ biến hiện nay. Bệnh có tỷ lệ mắc cao và ngày càng trẻ hóa do áp lực xã hội cộng với thói quen sống thiếu lành mạnh. Dựa vào đặc điểm và diễn biến của bệnh có thể chia ra thành các loại như sau:

  • Đái tháo đường type 1: Đái tháo đường tuýp 1 chiếm 5-10% trong số người mắc bệnh đái tháo đường. Đây là hậu quả của quá trình hủy hoại các tế bào beta của tuyến tụy không thể tiết ra insulin. Nguyên nhân của đái tháo đường tuýp 1 là do 95% các bệnh tự miễn gây lên, 5% là vô căn.
  • Đái tháo đường type 2: Đái tháo đường tuýp 2 chiếm 90-95% trong số người mắc bệnh đái tháo đường. Nguyên nhân mắc bệnh là do cơ chế đề kháng hoặc thiếu hụt insulin. Người mắc bệnh ĐTĐ tuýp 2 thường được phát hiện muộn, hay chỉ khi có xuất hiện các biến chứng.
  • Đái tháo đường thai kỳ: là ĐTĐ được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về ĐTĐ type 1, type 2 trước đó.
  • Các dạng khác của Đái tháo đường: Đái tháo đường thứ phát sau bệnh lý tuyến tụy ngoại tiết: viêm tụy, chấn thương tụy, ung thư tụy, cắt tụy, xơ sỏi tụy; Đái tháo đường do nhiễm khuẩn, thuốc hoặc hóa chất,..

Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường.

Hiểu một cách đơn giản thì glucose là một loại đường đơn, cần thiết cho các tế bào của cơ thể để chuyển hóa và tạo năng lượng hoạt động. Tuy nhiên, để glucose có thể vào bên trong tế bào, cần có một chất “vận chuyển” – đó chính là Insulin. Insulin là hormon do tế bào beta đảo tụy tiết ra. Nồng độ nhiều hay ít sẽ theo tương ứng với nồng độ glucose trong máu, giúp duy trì một lượng đường huyết ổn định và an toàn.

Với người bị ĐTĐ tuýp 1, thường do yếu tố bẩm sinh dẫn đến thiếu hụt hoàn toàn hormon insulin. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng ĐTĐ tuýp 1 có tính chất gia đình.

Với bệnh ĐTĐ tuýp 2, nguyên nhân thật sự vẫn chưa được hiểu rõ. Người bệnh ĐTĐ tuýp 2 thường gặp phải tình trạng đề kháng insulin. Nghĩa là tuyến tụy có tiết ra insulin, nhưng tế bào không thể “nhận diện” insulin, dẫn đến không thể vận chuyển đường glucose vào trong tế bào để sử dụng. Cũng có thể là những tổn thưởng ở tuyến tụy dẫn đến việc tiết insulin không đủ để đáp ứng với mức tăng glucose huyết, nhất là sau khi ăn. Kết quả dẫn đến nồng độ glucose máu tăng cao nhưng tế bào lại luôn trong tình trạng “khát năng lượng”. Một số yếu tố như béo phì, thừa cân,… được xem là yếu tố nguy cơ thúc đẩy việc xuất hiện bệnh ĐTĐ tuýp 2.

dai thao duong nguyen nhan, dieu tri phong ngua
Tiểu đường có thể xuất hiện trong giai đoạn mang thai

Với bệnh tiểu đường thai kỳ, sự thay đổi về cân nặng, nội tiết và sở thích trong quá trình mang thai có thể là yếu tố nguy cơ. Khi mang thai, nhau thai sẽ tạo ra những kích thích để duy trì thai kỳ. Những kích thích này sẽ làm cho tế bào tăng khả năng kháng insulin. Bình thường, tuyến tụy sẽ sản xuất đủ insulin để vượt qua sức đề kháng này, tuy nhiên một số trường hợp tuyến tụy không sản xuất đủ lượng insulin cần thiết khiến lượng đường vận chuyển vào tế bào giảm, lượng đường tích tụ lại trong máu tăng cao, dẫn đến tiểu đường thai kỳ.

[Tiểu đường thai kỳ là một bệnh lý mà mẹ bầu có nguy cơ cao mắc phải trong giai đoạn mang thai, nhưng đừng lo lắng bài viết “tiểu đường thai kỳ và những điều cần lưu ý cho mẹ bầu” sẽ giúp các mẹ phòng ngừa và giảm nguy cơ mắc loại bệnh lý này].

Yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường tuýp 2.

Đái tháo đường tuýp 2 chưa có nguyên nhân rõ ràng. Nhưng các nhà nghiên cứu đã xác định được một số yếu tố nguy cơ liên quan mật thiết đến việc xuất hiện bệnh. Bao gồm:

  • Yếu tố gia đình như tiền sử gia đình có bố mẹ, anh chị em ruột, con mắc bệnh ĐTĐ.
  • Tiền sử bản thân từng bị tiểu đường thai kỳ.
  • Tuổi tác: người ≥45 tuổi
  • Tăng huyết áp.
  • Ít hoạt động thể lực.
  • Hút thuốc lá.
  • Nghiện rượu.
  • Thừa cân, béo phì: BMI ≥ 23 kg/m2, hoặc cân nặng lớn hơn 120% cân nặng lý tưởng.
  • Vùng bụng to: ở nam ≥ 90 cm, ở nữ ≥ 80 cm.
  • Bị rối loạn dung nạp đường hay rối loạn đường huyết đói.
  • Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang.
  • Có các dấu hiệu đề kháng insulin trên lâm sàng (như béo ph́ì, dấu gai đen…).
  • Tiền sử có bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch.
  • Từng được chẩn đoán mắc hội chứng chuyển hóa.
  • Rối loạn lipid máu, đặc biệt là khi chỉ số triglyceride cao và HDL-C thấp

Người có các yếu tố này cần được tầm soát sớm và thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh nếu có.

Triệu chứng của bệnh đái tháo đường.

Các biểu hiện của bệnh ĐTĐ giai đoạn đầu rất khó xác định, do không điển hình và dễ nhầm lẫn với triệu chứng các bệnh khác. Tuy nhiên, nếu quan tâm và biết cách kiểm soát tốt sức khỏe, thì có thể phát hiện được bệnh tiểu đường từ rất sớm.

Người mắc ĐTĐ có thể sẽ gặp một hoặc nhiều các triệu chứng điển hình như sau:

  • Khát nước và uống nhiều nước: Người bệnh sẽ cảm thấy khát nước hơn bình thường, khác với việc khát nước uống nhiều nước do mất nước.
  • Đi tiểu thường xuyên, có kèm theo tiểu với lượng nước tiểu nhiều hơn bình thường, không kèm triệu chứng tiểu gắt tiểu buốt…
  • Ăn nhiều nhưng lại sụt cân: Glucose trong máu người bị đái tháo đường tăng cao nhưng tế bào không thể sử dụng để chuyển hóa năng lượng. Do đó mà cơ thể luôn ở tình trạng “đói” năng lượng. Khi đó, chất đạm và chất béo sẽ là nguồn thay thế để sử dụng tạo ra năng lượng cho cơ thể. Điều này dẫn đến sụt cân đột ngột, teo cơ thấy rõ, đặc biệt là người bị tiểu đường tuýp 1. Người bệnh ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, mà lại gầy sút cân nhanh.
dai thao duong nguyen nhan, dieu tri phong ngua
Ăn nhiều – Uống nhiều – Tiểu nhiều & Gầy nhiều là 4 triệu chứng điển hình của bệnh tiểu đường
  • Mệt mỏi, suy nhược: Do không thể sử dụng nguồn glucose nên cơ thể sẽ thấy thiếu năng lượng, mệt mỏi và buồn ngủ.
  • Nhìn mờ, thị lực giảm do đường huyết tăng gây ảnh hưởng đến các mạch máu nuôi võng mạc.
  • Chậm lành các vết thương hoặc vết loét: đường huyết cao gây tổn thương hệ miễn dịch, mạch máu nhỏ và thần kinh. Có thế dẫn đến việc các vết thương ngoài da khó lành, đôi khi hoại tử nhiễm trùng.

Ngoài ra, còn có các triệu chứng như dị ứng, viêm da, tê chân, thâm sạm da… Nữ giới có thể dễ mắc các bệnh phụ khoa, còn nam giới có thể gặp phải tình trạng rối loạn cương dương.

Xét nghiệm, chuẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường.

Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh đái tháo đường.

Xét nghiệm tiểu đường là một phần quan trọng để xác định, chẩn đoán cũng như theo dõi kiểm soát bệnh ĐTĐ. Hiện nay, để chẩn đoán cũng như theo dõi điều trị sẽ có những loại xét nghiệm như sau:

benh dai thao duong, nguyen nhan trieu chung dieu tri
Chẩn đoán tiểu đường thông qua các chỉ số xét nghiệm
  • Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên: Đây là xét nghiệm nhanh bằng máy đó đường huyết nhằm kiểm tra lượng đường vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày và không cần nhịn ăn. Nếu mức đường trên 200mg/dL nghĩa là mắc tiểu đường hoặc đường huyết không được kiểm soát tốt.
  • Xét nghiệm đường huyết lúc đói: Thực hiện đo đường huyết sau nhịn ăn ít nhất 8 giờ. Xét nghiệm này thường dùng để chẩn đoán tiểu đường. Nếu mức đường huyết từ 126mg/dL trở lên là đã mắc tiểu đường.
  • Xét nghiệm dung nạp glucose: đây là xét nghiệm đường huyết sau khi được uống một lượng glucose nhất định và bắt buộc phải nhịn ăn ít nhất 8 giờ trước đó. Sau 2 giờ, xét nghiệm để đánh giá. Nếu chỉ số đường là cao hơn 200mg/dL là bị tiểu đường. Xét nghiệm này dùng để chẩn đoán tiền tiểu đường, tiểu đường và đặc biệt là tiểu đường thai kỳ.
  • Xét nghiệm HbA1c: Xét nghiệm này được thực hiện mỗi 3 hoặc 6 tháng. Dùng để chẩn đoán và đánh giá đường huyết được kiểm soát tốt hay chưa. Mức HbA1c lý tưởng là nhỏ hơn 6,5%.

Mỗi loại xét nghiệm sẽ có mục đích và ý nghĩa riêng trong việc chẩn đoán hoặc theo dõi điều trị. Vì vậy, trước khi thực hiện xét nghiệm theo chỉ định, hoặc chủ động theo dõi tại nhà cũng cần tìm hiểu, hoặc hỏi ý kiến người có chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.

[Bạn có thể đọc thêm bài viết “các loại xét nghiệm tiểu đường cho mọi lứa tuổi” để biết thêm chi tiết về công dụng và mục đích của từng loại từ đó có thể chuẩn đoán, phòng tránh và điều trị đạt hiệu quả cao nhất]

Chẩn đoán tiền đái tháo đường như thế nào?

Người được chất đoán là tiền đái tháo đường sẽ dựa vào các một trong số các chỉ số xét nghiệm như sau:

  • Xét nghiệm glucose huyết đói: Glucose huyết tương lúc đói từ 100 (5,6mmol/L) đến 125 mg/dL (6,9 mmol/L), hoặc;
  • Xét nghiệm dung nạp glucose: Glucose huyết tương ở thời điểm 2 giờ sau khi làm nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống 75 g từ 140 (7.8 mmol/L) đến 199 mg/dL (11 mmol/L), hoặc;
  • Chỉ số HbA1c từ 5,7% (39 mmol/mol) đến 6,4% (47 mmol/mol).

Những tình trạng rối loạn glucose huyết này chưa đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán đái tháo đường nhưng vẫn có nguy cơ xuất hiện các biến chứng mạch máu lớn của đái tháo đường, được gọi là tiền đái tháo đường (pre-diabetes). Do đó, người bị tiền tiểu đường cũng cần phải điều trị không dùng thuốc bằng việc tuân thủ chế độ dinh dưỡng, luyện tập để giảm thời gian chuyển biến thành tiểu đường.

Điều trị bệnh đái tháo đường như thế nào?

Bệnh ĐTĐ type 1 bắt buộc phải dùng insulin để điều trị. Việc điều trị Insulin có thể sẽ là suốt đời vì gần như bệnh nhân không còn khả năng tự sản xuất Insulin.

benh dai thao duong, nguyen nhan trieu chung dieu tri
Điều trị Insulin là bắt buộc với bệnh đái tháo đường tuýp 1

Người bị ĐTĐ tuýp 2 hầu hết sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc điều trị kết hợp với thay đổi lối sống và dinh dưỡng phù hợp. Tùy thuộc vào mức độ bệnh và thể trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ có những chỉ định thuốc cũng như liều lượng khác nhau.

Một số loại thuốc có tác dụng hạ đường huyết như Metformin, Glibenclamide, Gliclazide,… có thể được chỉ định đơn trị liệu hoặc phối hợp nhiều loại tùy thuộc vào đáp ứng cũng như khả năng kiểm soát và tuân thủ của người bệnh. Dùng insulin cho người ĐTĐ tuýp 2 là giải pháp sau cùng nếu sau một thời gian mắc bệnh, cơ thể không còn đáp ứng với các loại thuốc dùng đường uống.

Người bệnh ĐTĐ cần kiểm tra đường huyết thường xuyên định kỳ tại các cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa. Mỗi bệnh nhân nên có 1 máy đo đường huyết cá nhân để kiểm tra đường huyết, theo dõi, nếu quá cao hoặc quá thấp thì cần đến cơ sở y tế và tuân thủ chế độ điều trị hợp lý, uống thuốc đúng giờ, đúng chỉ định và không tự ý mua thuốc ngoài.

Người bệnh ĐTĐ tuyệt đối không nên dùng các bài thuốc dân gian chưa rõ cơ chế tác dụng vì có thể dẫn đến những nguy hiểm không lường trước được cho sức khỏe. Còn đối với bệnh tiền đái tháo đường, người bệnh thường bắt đầu điều trị từ việc thay đổi chế độ ăn uống và rèn luyện thể lực mà chưa cần phải dùng đến thuốc.

Các biến chứng của bệnh đái tháo đường.

Đái tháo đường là một bệnh tiến triển tịnh tiến. Những biến chứng của bệnh luôn phát triển theo thời gian mắc bệnh. Tăng đường huyết kéo dài sẽ dẫn đến tổn hại nghiêm trọng cho nhiều hệ thống của cơ thể, đặc biệt là các dây thần kinh và mạch máu.

Biến chứng cấp tính.

Người bệnh ĐTĐ có thể gặp phải những biến chứng cấp tính nguy hiểm như hôn mê do nhiễm toan ceton, hạ đường huyết đột ngột, hôn mê do nhiễm toan lactic,… Đây đều là những trường hợp cần cấp cứu kịp thời nếu không sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Biến chứng mãn tính.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ĐTĐ là nguyên nhân chính gây mù, suy thận, nhồi máu cơ tim tim, đột quỵ và tổn thương phải cắt cụt chi dưới.

Các biển chứng mãn tính nguy hiểm có thể kể đến như:

  • Mạch máu: Việc tăng glucose máu kéo dài có thể làm tổn thương mạch máu. Nếu tổn thương ở mạch máu lớn có thể gây ra bệnh tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, tổn thương thành mạch và hẹp các động mạch tứ chi, thậm chí tắc mạch gây hoại tử chi. Tổn thương ở mạch máu nhỏ sẽ gây rối loạn hoạt động chức năng của các cơ quan như thận, võng mạc mắt, thần kinh ngoại biên nếu không được điều trị hiệu quả có thể gây suy thận mãn dẫn đến nguy cơ phải chạy thận nhân tạo hay phải ghép thận, giảm thị lực dẫn đến mù lòa, dị cảm ở 2 chi dưới…
  • Hô hấp: Bệnh nhân tiểu đường dễ bị viêm phổi và viêm phế quản do bị bội nhiễm vi khuẩn.
  • Tiêu hóa: Người bệnh có thể bị viêm quanh nướu răng, rối loạn chức năng gan, viêm loét dạ dày, tiêu chảy.
  • Da: Bệnh nhân có thể thấy ngứa ngoài da, hay bị mụn nhọt, lòng bàn tay và bàn chân ánh vàng, xuất hiện u màu vàng gây ngứa ở gan bàn chân, bàn tay, mông, viêm mủ da…
  • Bệnh Alzheimer: Bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 có nguy cơ cao mắc bệnh Alzheimer.

Biến chứng của đái tháo đường thai kỳ.

Mẹ bị tiểu đường thai kỳ có thể gặp nhiều vấn đề như:

  • Tăng nguy cơ mắc các vấn đề như tăng huyết áp, sinh non, đa ối, nhiễm khuẩn tiết niệu, tăng nguy cơ phải mổ lấy thai…
  • Tăng nguy cơ mắc tiểu đường sau sinh: Phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ cao bị đái tháo đường tuýp 2 sau 5-10 năm.
  • Tăng nguy cơ mắc tiểu đường ở lần mang thai tiếp theo: thống kê cho thấy có tới 45% tỷ lệ tái mắc ở lần mang thai thứ 2.

Còn đối với thai nhi, tiểu đường thai kỳ có thể dẫn đến:

  • Tăng trưởng quá mức: trẻ có khả năng bị tăng cân quá mức, đặc biệt là ở 3 tháng cuối thai kỳ.
  • Tăng nguy cơ dị tật thai nhi: nguy cơ cao mắc các dị tật bẩm sinh liên quan đến thần kinh và tim.
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, béo phì, rối loạn vận động. Nguy cơ này tăng gấp 8 lần khi đến 19-27 tuổi.

Ngoài ra, khi mắc tiểu đường thai kỳ, mẹ còn tăng nguy cơ mắc các vấn đề liên quan đến cảm xúc và thần kinh như dễ bị căng thẳng, lo âu, tăng cân không kiểm soát hay thiếu chất do nhịn ăn quá mức.

Kiểm soát và phòng ngừa bệnh đái tháo đường.

Như thế nào là kiểm soát tốt đường huyết để phòng ngừa biến chứng?

Chúng ta đều biết rằng kiểm soát tốt đường huyết sẽ kiểm soát tốt biến chứng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tuổi thọ cho người tiểu đường. Cũng theo BYT, kiểm soát tốt bệnh tiểu đường chính là khi kiểm soát đường huyết cùng với việc được tầm soát, phát hiện sớm các tổn thương cơ quan nhằm ngăn chặn và điều trị kịp thời.

benh dai thao duong, nguyen nhan trieu chung dieu tri
Chỉ số HbA1c là chỉ số quan trọng giúp chẩn đoán và đánh giá việc kiểm soát đường huyết

Cụ thể là kiểm soát tốt bệnh tiểu đường với mức đường trong máu đáp ứng đúng mục tiêu tiêu điều trị. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý, tuổi tác, các bệnh nền kèm theo,… mà mỗi người sẽ có mục tiêu điều trị khác nhau. Theo các chuyên gia y tế thì mục tiêu điều trị 00chung sẽ bao gồm việc duy trì được lượng đường trong máu khi đói, sau ăn gần như bằng với ngưỡng sinh lý bình thường của cơ thể. Cùng với đó là đạt mức HbA1c lý tưởng, nhằm làm chậm xuất hiện của các biến chứng tiểu đường.

Chỉ số HbA1c là một chỉ số quan trọng với bệnh nhân đái tháo đường vì được sử dụng trong đánh giá hiệu quả điều trị trong khoảng 3 tháng hoặc kéo dài hơn. Kiểm soát tốt chỉ số này sẽ giúp giảm từ 15-25% tỷ lệ xuất hiện các biến chứng trên thần kinh, tim mạch, thận và mắt.

[Đọc bài ý nghĩa chỉ số HbA1c để hiểu hết tầm quan trọng của chỉ số này, vì nó cho biết mức độ bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh để biết cách triều trị chuaant xác nhất].

Cách phòng ngừa bệnh đái tháo đường.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh đái tháo đường là có thể điều trị được và biến chứng có thể được phòng ngừa bằng một chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì các hoạt động thể lực mỗi ngày, dùng thuốc đúng hướng dẫn và thường xuyên thăm khám để phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng nếu có.

benh dai thao duong, nguyen nhan trieu chung dieu tri
Có thể kiểm soát bệnh tiểu đường bằng việc thay đổi lối sống, ăn uống luyện tập và tuân thủ chỉ định dùng thuốc

Thay đổi lối sống hay điều trị không dùng thuốc bao gồm luyện tập thể lực, dinh dưỡng và kiểm soát các bệnh nền kèm theo.

Luyện tập thể lực.

  • Không luyện tập gắng sức khi glucose huyết > 250-270 mg/dL và ceton dương tính. Cần đảm bảo các chỉ số tim mạch, huyết áp an toàn trước khi bắt đầu luyện tập.
  • Lựa chọn hình thức luyện tập thông dụng và dễ áp dụng nhất: đi bộ tổng cộng 150 phút mỗi tuần (hoặc 30 phút mỗi ngày), không nên ngưng luyện tập 2 ngày liên tiếp. Mỗi tuần nên tập kháng lực 2-3 lần (kéo dây, nâng tạ) với người có sức khỏe.
  • Người già, đau khớp có thể chia tập nhiều lần trong ngày, thí dụ đi bộ sau 3 bữa ăn, mỗi lần 10-15 phút. Người còn trẻ nên tập khoảng khoảng 60 phút mỗi ngày, tập kháng lực ít nhất 3 lần mỗi tuần.

Dinh dưỡng.

Người tiểu đường cần một chế độ dinh dưỡng phù hợp và lành mạnh, không nên quá kiêng khem vì có thể dẫn đến thiếu chất. Chế độ dinh dưỡng cần được áp dụng mềm dẻo theo thói quen, sở thích ăn uống của người bệnh. Nên chọn các thức ăn sẵn có tại từng vùng miền và các loại thực phẩm cũng nên ưu tiên lựa chọn theo mùa. Nếu được, nên có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng về tỷ lệ cũng như thực đơn hằng ngày cho người bị ĐTĐ.

Dinh dưỡng giành cho người đái tháo đường.

Các nguyên tắc chung về dinh dưỡng được khuyến cáo cho mọi bệnh nhân.

Ngay cả khi chưa mắc tiểu đường, chúng ta đều cần duy trì những thói quen ăn uống lành mạnh với việc lựa chọn các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe. Nguyên tắc chung trong chế độ ăn uống cho người tiểu đường như là:

  • Bệnh nhân béo phì, thừa cân cần giảm cân, ít nhất 3-7% so với cân nặng nền.
  • Nên dùng các loại carbohydrat hấp thu chậm có nhiều chất xơ, không chà xát kỹ (ngũ cốc nguyên cám) như gạo lứt, bánh mì đen, nui còn chứa nhiều chất xơ…
  • Đạm khoảng 1-1,5 gam/kg cân nặng/ngày ở người không suy chức năng thận. Nên ăn cá ít nhất 3 lần/tuần. Người ăn chay trường có thể bổ sung nguồn đạm từ các loại đậu (đậu phụ, đậu đen, đậu đỏ).
benh dai thao duong, nguyen nhan trieu chung dieu tri
Nguồn đạm thực vật “hoàn chỉnh” tốt cho người tiểu đường
  • Nên chú trọng dùng các loại mỡ có chứa acid béo không no một nối đôi hoặc nhiều nối đôi như dầu ô liu, dầu mè, dầu lạc, mỡ cá. Cần tránh các loại mỡ trung chuyển (mỡ trans), phát sinh khi ăn thức ăn rán, chiên ngập dầu mỡ.
  • Giảm muối trong bữa ăn, còn khoảng 2300 mg Natri mỗi ngày.
  • Chất xơ ít nhất 15 gam mỗi ngày.
  • Các yếu tố vi lượng: nên chú ý bổ xung các yếu tố vi lượng nếu thiếu, thí dụ sắt ở bệnh nhân ăn chay trường. Dùng một số thuốc điều trị tiểu đường lâu ngày có thể gây thiếu vitamin B12, nên chú ý và bổ sung thêm vi chất này.
  • Ngưng hút thuốc.
  • Các chất tạo vị ngọt: như đường bắp, aspartame, saccharin có nhiều bằng chứng trái ngược. Do đó nếu sử dụng cũng cần hạn chế đến mức tối thiểu.

Gợi ý 02 phương pháp kiểm soát bữa ăn cho người đái tháo đường.

Với vô số các nguyên tắc trong ăn uống trên thì rất dễ gây bối rối cho người bệnh. Để đơn giản hóa bữa ăn, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về 02 phương pháp dinh dưỡng giúp người bệnh ĐTĐ có thể “cân đo đong đếm” bữa ăn của mình một cách đơn giản hơn.

  • Phương pháp đĩa thức ăn

Theo phương pháp ăn theo đĩa thức ăn, sử dụng một dĩa ăn đường kính khoảng 1 gang tay (khoảng 20 cm). Một bữa ăn sẽ bao gồm:

  • 1/2 của dĩa ăn này sẽ là rau củ không chứa tinh bột như bắp cải, cải xoong, măng tay, xà lách, củ cải, cà tím, bông cải xanh, cải thảo, su hào, đậu bắp, dưa chuột, rau chân vịt, bông cải Brussel, đậu xanh….
  • 1/4 sẽ là chất đạm như gà, trứng, cá, bò, heo hoặc các loại đậu, tàu hủ…
  • 1/4 còn lại sẽ là các thực phẩm chứa tinh bột như khoai tây, cơm, mì, trái cây hoặc một cốc sữa.
  • Dùng kèm sẽ là nước lọc.
benh dai thao duong, nguyen nhan trieu chung dieu tri
Áp dụng bữa ăn với chiếc đĩa sẽ giúp điều chỉnh khẩu phần ăn dễ dàng hơn
  • Phương pháp bàn tay

Phương pháp này ước lượng phần ăn đơn giản dựa trên lòng bàn tay. Cụ thể một bữa ăn như sau:

  • Chất xơ (rau, củ) lượng vừa 2 lòng bàn tay.
  • Tinh bột hoặc trái cây vừa 1 nắm tay.
  • Chất đạm (thịt cá, trứng) vừa 1 lòng bàn tay.
  • Chất béo, bơ khoảng 1 ngón tay cái.
  • Và 200ml sữa không đường.
benh dai thao duong, nguyen nhan trieu chung dieu tri
Phương pháp bàn tay có thể ứng dụng để chia khẩu phần ăn cho người tiểu đường

Người bệnh đái tháo đường nên ăn gì và kiêng gì?

Để kiểm soát đường huyết cũng như làm chậm các biến chứng tiểu đường, người bệnh cần lưu ý tránh xa các loại thực phẩm nhiều đường, chất ngọt nhân tạo và một số loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao.

Các loại thực phẩm người tiểu đường nên tránh như:

  • Nước ngọt có ga, nên hạn chế kể cả loại dành cho người ăn kiêng.
  • Bánh mì trắng, gạo trắng tinh thế và mì ống
  • Sữa chua có đường, có thêm vị trái cây, nên chọn sữa chua không đường, nguyên chất, không hương và mùi nhân tạo.
  • Mật ong, mật hoa.
  • Trái cây sấy khô.
  • Bánh quy.
  • Khoai tây chiên.
  • Hạn chế các loại trái cây có chỉ số đường huyết cao như sầu riêng, dưa hấu, mít, chuối quá chín,…

Ngược lại, người tiểu đường nên tăng cường một số loại thực phẩm giàu chất xơ, nhiều vitamin và khoáng chất như:

  • Rau xanh: mồng tơi, rau bina, cải xanh,…
  • Hoa quả ít ngọt như bưởi, cam, bơ, dâu tây, táo, lê,…
  • Ngũ cốc nguyên cám như gạo lứt, gạo huyết rồng, lúa mạch, yến mạch, hạt kê…
  • Các loại đậu đỗ giàu đạm như đậu nành, đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh, đậu lăng,…
  • Sữa có thể chọn loại không đường, tách béo hoặc dùng sữa hạt ngũ cốc giàu chất xơ, không cholesterol.

Cách chăm sóc bàn chân người đái tháo đường.

Biến chứng trên bàn chân là một trong những lý do hàng đầu dẫn đến tàn tật vĩnh viễn ở người tiểu đường. Theo WHO cảnh báo, cứ 30 giây trôi qua là có 1 người bị cắt cụt chân do đái tháo đường. Đặc biệt khi đường huyết không được kiểm soát chặt chẽ, thì các biến chứng này đến càng nhanh.

benh dai thao duong, nguyen nhan trieu chung dieu tri
Cần quan tâm và chăm sóc bàn chân tiểu đường

Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo người bệnh ĐTĐ cũng như người chăm sóc bệnh nhân cần đặc biệt quan tâm đến bàn chân của người ĐTĐ. Để giúp phòng ngừa tối đa các nguy cơ hình thành các vết thương dù là nhỏ nhất, người ĐTĐ cần lưu ý như sau:

  • Kiểm tra bàn chân hằng ngày.
  • Rửa sạch chân và lau khô bàn chân với khăn mềm. Cần dùng nước ấm vừa phải, không quá lạnh cũng không quá nóng để tránh gây tổn thương da.
  • Cắt tỉa móng chân gọn gàng. Sau khi tắm là thời điểm tốt nhất để cắt móng vì lúc này móng tương đồi mềm, dễ cắt.
  • Chọn giày và tất phù hợp. Nên chọn size vừa chân. Tất nên chọn chất liệu mềm, thấm hút mồ hôi.
  • Dưỡng ẩm cho bàn chân, không để khô da, nứt nẻ.
  • Đến bệnh viện ngay nếu xuất hiện các vết xước lâu lành hơn bình thường.
  • Thăm khám định kỳ bàn chân để phát hiện sớm những bất thường nếu có.

Hiện nay, tỷ lệ mắc đái tháo đường ngày càng gia tăng và trẻ hóa, kiểm tra đường huyết định kỳ mỗi 6 tháng đến 1 năm là cách đơn giản nhất để tầm soát đái tháo đường. Ngay khi có các triệu chứng của bệnh đái tháo đường, bệnh nhân cần cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm, hạn chế biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Với người bệnh đái tháo đường thì việc điều trị bằng thuốc gần như sẽ là suốt đời. Tuy nhiên, với lối sống khoa học vẫn sẽ giúp người bệnh có một cuộc sống vui khỏe và hạnh phúc.

Mua sữa ngũ cốc 25 Green Nutri ở đâu?

Hiện nay có nhiều sản phẩm giả, nhái các thương hiệu lớn đang trôi nổi trên thị trường và Green Nutri cũng không ngoại lệ. Để mua đúng sản phẩm sữa hạt ngũ cốc 25 Green Nutri, sữa hạt ngũ cốc không đường 25 Beta Glucare chính hãng bạn có thể mua tại fanpage 25 Green Nutri, giang hàng bán sữa hạt ngũ cốc 25 Green Nutri tại Shopee, các cửa hàng trực thuộc trực tiếp của Công ty xuất nhập khẩu Hải Bình, hoặc gọi trực tiếp đến hotline 0969.15.2525. Các kênh trên đều là kênh bán hàng chính thức của chúng tôi tại Việt Nam. mua đúng nơi không lo hàng giả và an toàn sức khỏe.