Có một quan niệm rất sai lầm là người tiểu đường cần kiêng đường hoàn toàn. Trên thực tế, chế độ dinh dưỡng của người tiểu đường hay người bình thường đều rất cần đến nhóm tinh bột đường để duy trì các hoạt động sống. Vậy cần làm gì để vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa đảm bảo đường huyết được ổn định khi mắc đái tháo đường? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau nhé!
1. Mục tiêu thực hiện chế độ dinh dưỡng khi mắc tiểu đường
Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng góp phần không nhỏ đến hiệu quả điều trị tiểu đường (đái tháo đường). Vì thế cho nên, chế độ ăn của người mắc đái tháo đường cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn với những mục tiêu quan trọng:
- Duy trì mức đường huyết ở mức gần bình thường nhất có thể bằng cách cân bằng lượng thức ăn với hoat động thể lực, thuốc hạ đường huyết và insulin (nếu cần).
- Cung cấp lượng calo vừa đủ để duy trì lượng đường trong máu được ổn định.
- Quản lý yếu tố nguy cơ và ngăn ngừa biến chứng của bệnh tiểu đường, bao gồm cả biến chứng cấp tính (hạ đường huyêt, nhiếm toan ceton…) và biến chứng mạn tính (bệnh tim mạch, bệnh thận, biến chứng vi mạch…)
2. Nguyên tắc trong chế độ dinh dưỡng dành cho người tiểu đường
Để đảm bảo một chế độ dinh dưỡng đủ và cân bằng dưỡng chất, người tiểu đường cần lưu ý những nguyên tắc sau khi xây dựng thực đơn mỗi ngày:
- Đủ chất đạm, béo, bột, vitamin và các chất khoáng, đủ nước.
- Không làm tăng đường máu nhiều sau ăn.
- Không làm hạ đường máu lúc xa bữa ăn.
- Duy trì được hoạt động thể lực bình thường hàng ngày.
- Duy trì được cân nặng lý tưởng.
- Không làm tăng các yếu tố nguy cơ như rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, tổn thương thận…
- Phù hợp với thói quen và sở thích ăn uống.
- Kiểm soát căng thẳng, âu lo
- Ngủ đủ giấc mỗi ngày.
3. Lựa chọn thực phẩm cho người tiểu đường
3.1. Thực phẩm nên dùng
Người tiểu đường nên lựa chọn những thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp, tăng cường lượng đạm và chất xơ. Một số loại thực phẩm tốt cho người tiểu đường được khuyên dung trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày như:
- Nhóm tinh bột: gạo lứt, yến mạch, bánh mì đen…
- Nhóm đạm: các loại thịt nạc, sữa không đường, cá, đậu đỗ, lạc, vừng, tảo xoắn,…
- Nhóm chất béo: nên dùng dầu thay mỡ. Nên chọn thực phẩm có chất béo không bão hòa có trong quả óc chó và dầu hướng dương, có thể giúp giảm cholesterol. Nên ăn thêm các loại hạt dinh dưỡng như hạnh nhân, óc chó, macca, hạt chia,…
- Nhóm chất xơ: ăn đa dạng các loại rau (đặc biệt các loại rau có tính nhuận tràng như: rau khoai lang, rau mồng tơi, rau đay…).
- Nhóm trái cây: các loại quả có hàm lượng đường ít, trung bình: táo, thanh long, bưởi, ổi, cam, lê, trái bơ,…
3.2. Thực phẩm nên hạn chế
Người tiểu đường cần hạn chế hoặc kiêng các loại thực phẩm có chỉ số GI cao hoặc không tốt cho sức khỏe như:
- Gạo trắng, mỳ ngô, khoai, không nên ăn miến dong…
- Phủ tạng động vật như tim, gan, lòng, óc,…
- Mỡ động vật, bơ, phô-mai,…
- Các loại quả có hàm lượng đường cao như: na, nhãn, vải, mít, hồng xiêm, chôm chôm…
- Nước ngọt có ga, đồ ăn nhanh, đồ hộp vì có nhiều dầu mỡ, nhiều muối,…
4. Cách phân bổ năng lượng cho các bữa ăn của người tiểu đường
Tùy thuộc vào cân nặng, công việc, nhu cầu, giới tính và tuổi tác mà mỗi người sẽ có những mức nhu cầu về năng lượng trong một ngày hoàn toàn khác nhau. Đối với người bị tiểu đường cũng cần phải đảm bảo mức năng lượng này để cơ thể không bị mệt mỏi, tránh trường hợp kiêng khem quá mức dẫn đến tụt đường huyết hoặc cung cấp quá nhiều gây tăng đường nguy hiểm.
Người tiểu đường cần chia thức ăn thành nhiều bữa để chống tăng đường huyết quá mức sau bữa ăn và chống hạ đường huyết khi đói, nhất là khi đang điều trị bằng thuốc. Nên ăn 5 – 6 bữa/ngày và nên ăn các bữa ăn vào cùng một thời điểm ở mỗi ngày với các tỷ lệ như sau:
- Ăn sáng: 20% tổng năng lượng/ngày.
- Phụ sáng: 10% tổng năng lượng/ngày.
- Ăn trưa: 25% tổng năng lượng/ngày.
- Phụ chiều: 10% tổng năng lượng/ngày.
- Ăn tối: 25% tổng năng lượng/ngày.
- Phụ tối: 10% tổng năng lượng/ngày.
Tỷ lệ trên mang tính tham khảo, có thể hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn số lượng bữa ăn trong một ngày phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người. Để tính được mức năng lượng cơ thể cần, có thể tham khảo các tính các chỉ số BMR hoặc chỉ số AMR.
4. Thực hiện chế độ dinh dưỡng theo phương pháp đĩa thức ăn (Plate Method) cho người tiểu đường
Thực tế là không phải ai cũng đủ gian để tính toán mức dinh dưỡng, mức năng lượng, cân chỉnh lượng thức ăn mỗi ngày cho người đái tháo đường. Đặc biệt là người bệnh lớn tuổi hoặc người bận bịu công việc làm ăn sinh kế nên thường phải ăn ở hàng quán bên ngoài.
Vì thế, có một phương pháp đơn giản giúp người bệnh có thể nhanh chóng ước lượng khẩu phần ăn của mình. Chính là phương pháp đĩa thức ăn. Cách thực hiện như sau:
- Đầu tiên: chọn đĩa chứa thức ăn có đường kính từ 20-25cm (tương đương 1 gang bàn tay người lớn), loại đĩa kích thước vừa trong gia đình hay gặp tiệm cơm.
- Bước 1: Chia đĩa làm 2 phần bằng nhau, lấy ½ đĩa để chứa tất cả các thực phẩm là rau củ.
- Bước 2: Còn ½ đĩa còn lại. Chúng ta sẽ chia đôi thành 02 phần , mỗi phần là ¼ chiếc đĩa. Lấy ¼ chiếc đĩa và cho tất cả thực phẩm nhóm tinh bột như cơm, bún, bánh mì, ngũ cốc, ngô, khoai,…
- Bước 3: Còn lại ¼ đĩa, cho vào nhóm đạm bao gồm thịt, cá, trứng, sữa, hạt dinh dưỡng, đậu đỗ, đậu hũ,…
Như vậy là đã hoàn tất cân đối bữa ăn theo phương pháp chiếc đĩa cho người tiểu đường. Ngoài phương pháp này, còn có một số phương pháp khác như Nguyên tắc bàn tay Zimbabwe (The Zimbabwe Hand Jive), sử dụng thực đơn mẫu,…
6. Những lưu ý quan trọng cho người tiểu đường
Ngoài những nguyên tắc và mục tiêu nêu trên, người mắc đái tháo đường cũng cần lưu ý những điều sau đây:
- Uống đủ nước mỗi ngày.
- Đường glucose thật sự rất cần thiết cho hoạt động của não bộ, tim và các hoạt động quan trọng của cơ thể. Do đó, không nên kiêng đường hoàn toàn mà cần cung cấp có kiểm soát.
- Để đảm bảo dinh dưỡng, cần ăn đa dạng các loại thực phẩm. Hơn hết là tìm hiểu về các chỉ số đường huyết của thực phẩm để lựa chọn an toàn cho đường huyết.
- Có thể bổ sung thêm các loại sữa như sữa tách béo, sữa hạt ngũ cốc, sữa không đường… để phòng ngừa thiếu hụt các vi chất thiết yếu.
- Tuân thủ điều trị và hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý bỏ điều trị, thay đổi và cần phải tái khám theo đúng chỉ dẫn để kiểm soát bệnh được tốt nhất.
- Biến chứng trên bàn chân là một biến chứng rất phổ biến và có thể gây ra tàn phế vĩnh viễn. Vì vậy cần chú ý chăm sóc đặc biệt hơn cho bàn chân của người tiểu đường.
Tiểu đường là một bệnh mãn tính, nghĩa là chúng ta có thể sẽ phải chung sống suốt đời. Do đó, sức khỏe tinh thần rất quan trọng. Người đái tháo đường cần phải lạc quan để có thể sống vui sống khỏe mỗi ngày.