Gan nhiễm mỡ là tình trạng tích tụ chất béo quá nhiều trong mô gan và có thể gây viêm hoặc không gây viêm. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể chữa khỏi mà không ảnh hưởng nhiều đến chức năng gan và giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng.
1. Gan nhiễm mỡ là gì?
Gan nhiễm mỡ là thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng mỡ bị tích tụ quá nhiều trong gan. Ở người bình thường, lượng mỡ trong gan rất thấp, chỉ chiếm từ 2 – 4% trọng lượng của gan. Nhưng trong bệnh gan nhiễm mỡ, mỡ sẽ chiếm ít nhất từ 5-10% trọng lượng của gan.
Gan là tạng lớn thứ 2 trong cơ thể người. Gan xử lý hầu như tất cả những gì chúng ta ăn hoặc uống vào, đồng thời lọc các chất độc có trong máu. Chức năng gan sẽ bị ảnh hưởng nếu gan chứa quá nhiều mỡ. Một điều đặc biệt là gan có thể tự hồi phục bằng cách tạo ra các tế bào mới, thay thế cho các tế bào cũ bị tổn thương. Tuy nhiên, nếu các tác nhân có hại liên tục có mặt ở gan thì tổ chức xơ sẽ hình thành và gây nên bệnh xơ gan.
2. Phân loại gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ được chia làm 2 nhóm:
2.1. Gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD)
Nhóm này không liên quan tới rượu mà do rối loạn chuyển hóa mỡ của gan, một thuật ngữ tóm gọn cho một loạt triệu chứng bệnh bao gồm cao huyết áp, tăng cholesterol, tăng LDL, tăng triglyceride, đề kháng insulin với đường máu cao và tích tụ mỡ vùng bụng. Bệnh nhân được xếp vào nhóm này khi tỉ lệ mỡ trong gan chiếm trên 10% trọng lượng của gan.
2.2. Gan nhiễm mỡ do rượu (ALD)
Gan nhiễm mỡ do rượu gặp chủ yếu ở những người nghiện bia rượu. Uống rượu quá nhiều sẽ gây tổn thương gan và dẫn đến suy giảm chức năng chuyển hóa mỡ. Bệnh diễn biến âm thầm, ít có triệu chứng. Nhưng nếu gan trở nên to ra có thể sẽ gây ra đau đớn hoặc khó chịu ở phía trên bên phải của bụng.
Nếu người bệnh không từ bỏ bia rượu, tình trạng bệnh sẽ trở nên tồi tệ hơn và chuyển thành viêm gan do rượu. Theo thời gian, có thể dẫn đến xơ gan do rượu, ưng thư gan và tử vong.
3. Triệu chứng của gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ ở những giai đoạn đầu thường không có triệu chứng, mà tình cờ phát hiện ra khi khám bệnh trên siêu âm gan. Khi có bệnh gan nhiễm mỡ hay có viêm gan hoặc xơ gan thì mới có các triệu chứng như sau:
- Đau và khó chịu ở bụng trên bên phải
- Chán ăn
- Có thể có vàng da và vàng mắt, nước tiểu vàng hoặc sậm màu
- Khi có xơ gan có thể xuất hiện thêm các biểu hiện:
- Cổ trướng bụng, phù nề chân
- Giãn nở mạch máu dưới da
- Lá lách to
- Xuất huyết tiêu hóa
- Phù chân
- Đỏ lòng bàn tay
- Ngứa da
4. Nguyên nhân gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ
Nguyên nhân chính gây bệnh gan nhiễm mỡ do rượu là do uống nhiều rượu bia hoặc thức uống có cồn trong thời gian dài. Còn đối với gan nhiễm mỡ không do rượu, có thể do các nguyên nhân sau đây:
- Thừa cân, béo phì
- Nồng độ cholesterol trong máu cao
- Người bệnh viêm gan siêu vi
- Tiểu đường tuýp 2
- Hội chứng buồng trứng đa nang
- Chứng ngưng thở lúc ngủ
- Suy giảm chức năng tuyến giáp (suy giáp)
- Suy giảm chức năng tuyến yên (suy tuyến yên)
- Người cao tuổi
5. Biến chứng của gan nhiễm mỡ
-
Viêm gan
Biến chứng này xảy ra khi mỡ bao phủ các tế bào gan ngày càng nhiều, làm suy giảm chức năng gan. Thông thường, tình trạng viêm gan hay gặp phải ở những người bị gan nhiễm mỡ từ độ 2 (mỡ trong gan chiếm từ 10-20%) trở lên. Viêm gan gan sẽ tiến triển nhanh khi vừa có sự kết hợp của các yếu tố gây viêm như virus viêm gan B hoặc C, đồng thời uống nhiều bia rượu.
Dấu hiệu đặc trưng khi bệnh phát triển đến giai đoạn này là chán ăn và mệt mỏi nhưng không phải lúc nào cũng có triệu chứng rõ ràng.
-
Xơ gan
Đây là biến chứng sau của của bệnh gan nhiễm mỡ đi kèm viêm gan. Khi gan cố gắng ngăn chặn những tổn thương đang xảy ra, chẳng hạn như viêm, sẽ tạo ra các vùng sẹo (xơ hóa). Tình trạng viêm gan không ngừng lại thì quá trình xơ hóa sẽ tiếp tục lan rộng.
Biến chứng gan nhiễm mỡ gây xơ gan khiến người bệnh có nguy cơ tử vong nếu không được can thiệp kịp thời và áp dụng kỹ thuật điều trị phù hợp. Tỷ lệ tử vong do xơ gan lên đến 85% trong 5 năm nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách.
-
Ung thư gan
Bệnh gan nhiễm mỡ âm thầm tiến triển và nặng lên có thể dẫn tới biến chứng xơ gan và nguy hiểm nhất là biến chứng ung thư gan. Đây là hậu quả của tình trạng viêm gan do gan nhiễm mỡ trong thời gian dài.
6. Điều trị gan nhiễm mỡ như thế nào?
Hiện nay, chưa có loại thuốc điều trị gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên việc thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt có thể cải thiện tình trạng bệnh rõ rệt.
Một lối sống lành mạnh, không rượu bia và kiểm soát tốt các bệnh lý khác (nếu có) là phương pháp tối ưu không chỉ trong điều trị mà còn phòng ngừa gan nhiễm mỡ. Đặc biệt là giảm cân với người thừa cân và béo phì.
Ngoài ra, bạn có thể tiêm phòng Viêm gan siêu vi (A, B, C) để bảo vệ gan khỏi các virus gây hại.
7. Phòng ngừa gan nhiễm mỡ
Lối sống khoa học là yếu tố quyết định giúp phòng ngừa gan nhiễm mỡ. Theo đó, người bệnh nên:
- Ăn nhiều rau củ quả chứa nhiều chất chống oxy hoá, giàu chất xơ, có tác dụng giảm cholesterol, rất tốt cho người bệnh gan nhiễm mỡ
- Dùng dầu thực vật như dầu mè, đậu nành… có chứa các axit béo không no, làm giảm cholesterol.
- Đa dạng nguồn đạm từ cá và thực vật. Đây là nguồn cung cấp protein ít chất béo, giàu axit omega – 3, rất tốt cho sức khỏe khi giúp giảm nồng độ cholesterol, giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ và ung thư.
- Bỏ rượu, bia và các loại thức uống có cồn. Nhóm thức uống này là một trong những tác nhân chính gây suy giảm chức năng và tổn thương tế bào gan.
- Hạn chế sử dụng mỡ động vật.
- Tránh các loại thực phẩm giàu cholesterol như nội tạng, da động vật, lòng đỏ trứng…
- Giảm khẩu phần thịt đỏ như thịt bò, thịt heo… vì nhóm thực phẩm này chứa nhiều protein và buộc gan phải làm việc nhiều hơn để chuyển hóa.
- Vận động thường xuyên mỗi ngày tối thiểu 30 phút và duy trì 5 ngày mỗi tuần. Vận động giúp tiêu hao năng lượng, giảm căng thẳng và duy trì cân nặng.