Bệnh tiểu đường là một trong những bệnh mạn tính không lây có tỷ lệ mắc cực kỳ cao trên thế giới. Tại Việt Nam, hiện nay có khoảng 7 triệu người mắc tiểu đường. Đáng chỉ ý là hơn 50% trong số đó không được chẩn đoán và không hề nhận biết mình rằng mình đã mắc tiểu đường. Các chuyên gia y tế nhận định, phát hiện và điều trị sớm tiểu đường sẽ giúp người bệnh kiểm soát các biến chứng tốt hơn. Đặc biệt là các dấu hiệu có thể dễ dàng nhận ra thông qua nước tiểu của người bị tiểu đường.

1. Nhận biết nước tiểu của người tiểu đường qua màu sắc

Với người khỏe mạnh, nước tiểu nếu nhìn bằng mắt thường sẽ có màu vàng nhạt, trong và có mùi khai đặc trưng. Nước tiểu là chính là chất thải được lọc từ thận. Thận giúp cơ thể loại bỏ những độc tố, chất cặn bã và các chất dư thừa khỏi cơ thể.

1.1. Nước tiểu có màu đục – do có quá nhiều đường trong máu

Bình thường, thận sẽ tái hấp thu các chất có lợi cho cơ thể, bao gồm glucose. Tuy nhiên, với người bị tiểu đường sẽ có lượng đường trong máu cao hơn bình thường. Dẫn đến glucose thoát ra màng lọc cầu thận và đi vào nước tiểu sẽ không được tái hấp thu hoàn toàn. Đó là lý do tại sao có glucose xuất hiện trong nước tiểu của bệnh nhân tiểu đường.

nhan biet nuoc tieu cua nguoi tieu duong
Nước tiểu có màu đục có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường

Khi glucose xuất hiện trong nước tiểu, sẽ làm cho nước tiểu bị đục. Mức độ đục này tùy thuộc vào nồng độ glucose trong nước tiểu. Nước tiểu càng đục chứng tỏ glucose càng nhiều, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra càng sớm càng tốt. Ngược lại, nếu chỉ ở giai đoạn tiền tiểu đường, bạn sẽ rất khó để nhận biết mình bị tiểu đường khi chỉ thông qua quan sát nước tiểu mà còn cần một số xét nghiệm khác.

1.2. Nước tiểu có màu đục – dấu hiệu của bệnh thận do tiểu đường

Một trong những biến chứng mãn tính của bệnh tiểu đường đó chính là bệnh thận. Bệnh thận do tiểu đường là tên gọi chung cho các bệnh lý liên quan đến thận do tiểu đường gây ra. Thường gặp nhất là bệnh lý thận hư do tổn thương màng lọc cầu thận vì đường huyết không được kiểm soát. Màng lọc cầu thận bị tổn thương sẽ dẫn đến việc các đại phân tử như protein thoát ra ngoài nước tiểu. Do tính chất của protein (chất đạm) mà dẫn đến biểu hiện nươc tiểu bị đục. Thậm chí, với lượng protein nhiều trong nước tiểu có thể kèm theo hiện tượng có bọt khí lâu tan.

Bệnh thận do tiểu đường là một trong số những biến chứng nguy hiểm, thường xuất hiện ở những người không kiểm soát tốt đường huyết hoặc bị tiểu đường lâu năm. Suy thận do tiểu đường có thể diễn tiến rất nhanh nếu như người bệnh chủ quan. Suy thận ở những giai đoạn nặng có thể dẫn đến mất chức năng lọc của thận vĩnh viễn và người bệnh phải chạy thận nhân tạo đến suốt đời.

1.3. Nước tiểu có màu đục – dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu do tiểu đường

Nước tiểu của người bị tiểu đường có thể kèm theo nguyên nhân là do nhiễm trùng đường tiết niệu. Ở người bị tiểu đường, khi lượng glucose trong nước tiểu xuất hiện thường xuyên sẽ làm thay đối tính chất và độ pH của nước tiểu. Chưa kể, glucose là “thức ăn” yêu thích của những vi sinh vật có hại này. Thêm vào đó, người tiểu đường lại hay bị suy giảm đề kháng tự nhiên. Đây là điều kiện thuận lợi để virus, vi khuẩn và vi nấm có hại phát triển gây nên các bệnh lý nhiễm trùng đường tiểu.

nhan biet nuoc tieu cua nguoi tieu duong
Nhiễm trùng đường tiểu có thể dẫn đến các thay đổi trên nước tiểu

Tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu xuất hiện thì tế bào miễn dịch của cơ thể sẽ được “huy động” đến để “dọn dẹp” các vi sinh vật có hại này. Vì vậy thường sẽ dẫn đến các phản ứng viêm tại chỗ. Các tế bào bạch cầu, hồng cầu bị chết và các chất chuyển hóa của quá trình viêm (mủ) sẽ được đào thải qua nước tiểu. Đó là lý do nếu bị viêm nhiễm đường tiểu thì nước tiểu hay bị đục.

Nhiễm trùng đường tiết niệu còn có thể đi kèm các triệu chứng như tiểu buốt, tiểu gắt, nóng rát khi đi tiểu, cơ thể mệt mỏi, sốt,…

1.4. Nước tiểu có màu đục –  do nguyên nhân khác với bệnh tiểu đường

Ngoài do bệnh tiểu đường thì cũng có một số bệnh lý khác cũng dẫn đến tình trạng nước tiểu bị đục. Các nguyên nhân có thể kể đến như:

  • Sỏi thận: Nước tiểu đục cũng có thể là dấu hiệu của sỏi thận. Soi thận xuất hiện có thể gây hẹp. tắc đường tiểu. Điều này làm thuận lợi cho các vi khuẩn ngược dòng từ bên ngoài đi vào dẫ đến viêm, nhiễm trùng và đi kèm dịch mủ. Sỏi thận có triệu chứng đi kèm điển hình là cơn đau dữ dội vùng hông lưng, thiểu niệu, sốt, đau rát khi đi tiểu…
  • Các bệnh lây qua đường tình dục: các bệnh lý ở cơ quan sinh dục như bệnh lậu (nhất là ở nam giới), nhiễm Chlamydia,…
  • Viêm âm đạo: các bệnh lý phụ khoa có thể gây nhầm lẫn với bệnh tiểu đường vì có thể kèm theo làm đục nước tiểu.
  • Viêm tiền liệt tuyến: Đây là bệnh đặc trưng ở nam giới khi lớn tuổi. Các loại vi khuẩn hoặc các yếu tố gây viêm có thể gây ra viêm tiền liệt tuyến. Viêm xuất hiện sẽ kéo theo tình trạng có mủ trong nước tiểu và gây đục nước tiểu.

[Tìm hiểu tất tần tật về bệnh tiểu đường, nguyên nhân, điều trị cũng như phòng ngừa]

2. Nhận biết nước tiểu của người bị tiểu đường qua mùi

Dấu hiệu nhận biết thông qua nước tiểu của người bị tiểu đường đó là mùi. Mùi của chất thải sẽ thay đổi không chỉ về màu, tính chất mà mùi cũng sẽ có mùi ngọt do chứa glucose. Đây là cũng là lý do tại sao có hiện tượng kiến bu nước tiểu như dân gian hay mô tả về bệnh tiểu đường.

nhan biet nuoc tieu cua nguoi tieu duong
Nước tiểu của người bị tiểu đường có thể có khác lạ về mùi và màu

2.1. Nước tiểu có mùi ngọt –  dấu hiệu có đường trong nước tiểu

Vào những năm 1674, vị bác sĩ Thomas Willis – người Anh đã mô tả nước tiểu của người bị tiểu đường có mùi vị “ngọt như tẩm mật ong hoặc đường”. Glucose là đường đơn, là cấu trức cấu tạo nên đường mía và đường trái cây. Chính vì vậy mà nước tiểu của người bị tiểu đường sẽ có mùi ngọt hoặc giống mùi trái cây. Mùi ngọt chính là dấu hiệu cảnh báo đã có glucose xuất hiện trong nước tiểu và nguy cơ khá lớn là bạn đang mắc tiểu đường.

2.2. Nước tiểu có mùi ngọt – dấu hiệu nhiễm toan ceton do tiểu đường

Cơ thể muốn hoạt động phải cần đến năng lượng, mà năng lượng chủ yếu đến từ glucose. Đặc biệt là các cơ quan quan trọng như não, tim, mắt,… Tiểu đường là bệnh lý do cơ thể không thể tiết hoặc tiết không đủ hormon insulin để giúp vận chuyển glucose vào tế bào. Vì vậy, dẫn đến hiện tượng glucose thì có dư thừa trong máu nhưng tế bào không nhận được glucose dẫn đến tình trạng thiếu năng lượng cho tế bào hoạt động.

nhan biet nuoc tieu cua nguoi tieu duong
Nhiễm toan ceton là biến chứng cấp của bệnh tiểu đường

Để ứng phó với tình trạng thiếu năng lượng, cơ thể chuyển sang đốt cháy chất béo để lấy năng lượng hoạt động. Theo quá trình chuyển nó này sẽ tạo ra rất nhiều ceton. Hàm lượng ceton càng cao càng gây độc cho cơ thể, thậm chí có thể dẫn đến hôn mê và tử vong do nhiễm toan ceton. Do đó, thận luôn cố gắng để lọc bỏ chất này qua nước tiểu. Do đó mà có thể ảnh hưởng đến mùi của nước tiểu.

2.3. Các dấu hiệu khác phân biệt với bệnh tiểu đường

Nếu bạn cảm nhận được nước tiểu có mùi ngọt hay mùi hoa quả, rất có thể là dấu hiệu cảnh báo tiểu đương. Nhưng đồng thời cũng có thể đến từ nguyên nhân khác không phải tiểu đường, như:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: Vi khuẩn E.coli thường sống ở niệu đạo có thể tăng sinh và gây viêm nhiễm khi hệ miễn dịch suy yếu hoặc nội tiết thay đổi. Đặc biệt ở phái nữ, tình trạng nhiễm trùng này kết hợp với viêm phụ khoa có thể gây ra triệu chứng nước tiểu mùi lạ hoặc mùi ngọt. Ngoài ra, người bị viêm nhiễm đường tiểu thường kèm tiểu buốt, tiểu ra, tiểu ra máu, sốt,… là các dấu hiệu khác để phân biệt với tiểu đường.
  • Bệnh gan: Khi chức năng gan suy giảm dẫn đến tích tụ nhiều độc tố mà gan không thể chuyển hóa. Các chất độc này được đào thải qua thận gây ra nhiều mùi hôi hoặc mùi bất thường.
  • Bệnh siro niệu: Đây là bệnh lý bẩm sinh và hiếm gặp ở trẻ sơ sinh. Bệnh lý này khiến cơ thể không thể chuyển hóa các axit amin dẫn đến dấu hiệu đặc trưng ở nước tiểu là có mùi như siro.

3. Dấu hiệu của tiểu đường – khát nước và đi vệ sinh nhiều

Ngoài quan sát nước tiểu, người bị tiểu đường có thể có các dấu hiệu đặc trưng đó là khát nước và đi vệ sinh nhiều lần.

Với người trưởng thành, khỏe manh thì thường trong ngày sẽ đi tiểu khoảng 4-7 lần. Số lần còn phụ thuộc vào hoạt động thể chất và ăn uống của mỗi cá nhân. Nhưng với người bị tiểu đường, thì số lẫn đi tiểu sẽ nhiều hơn, thậm chí là gấp vài lần. Kèm với đó là biểu hiện khát nước, lúc nào cũng thấy thèm uống nước và khô miệng.

nhan biet nuoc tieu cua nguoi tieu duong
Tiểu nhiều là dấu hiệu đặc trưng của bệnh tiểu đường

Điều này là dấu hiệu cảnh báo cho hàm lượng đường trong máu đang không được kiểm soát. Dẫn đến việc liên tục thấy khác và liên tục đi vệ sinh. Đây là cơ chế cân bằng tự nhiên của cơ thể nhằm pha loãng bớt nồng độ glucose trong máu thông qua việc uống nước. Đồng thời, gây áp lực lên thận phải tăng thải trừ glucose qua nước tiểu, dẫn đến tiểu nhiều. Chính vì vậy là một vòng lẩn quẩn: càng uống nhiều thì càng đi tiểu nhiều, càng tiểu nhiều thì càng uống nhiều.

4. Dấu hiệu khác của bệnh tiểu đường

Để nhận biết bệnh tiểu đường, chúng ta có thể dựa vào các dấu hiệu đặc trưng kể trên. Tuy nhiên, với việc quan sát nước tiểu của người bị tiểu đường thường là xuất hiện khi bệnh đã kéo dài và có thể đã gây ra biến chứng. Do đó, còn có một số biểu hiện khác ít đặc trưng hơn nhưng có thể xuất hiện sớm hơn, giúp bạn nhận ra những bất thường sớm hơn:

  • Ăn nhiều nhưng vẫn gầy, thậm chí sụt cân không rõ lý do: Điều này được lý giải do tế bào thiếu năng lượng để hoạt động dẫn đến việc phát tín hiệu cho cơ thể. Dẫn đến việc chúng ta luôn cảm thấy đói mặc dù glucose trong máu rất nhiều. Kết quả là cơ thể lấy năng lượng từ các nguồn khác như mỡ & cơ bắp. Vì vậy mà càng ngày càng gầy đi, sụt cân dù bạn có ăn nhiều đi nữa.
  • Luôn mệt mỏi & lừ đừ: Vì lúc nào tế bào cũng thiếu năng lượng nên bạn luôn cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ, lừ đừ, kém tập trung và khó ghi nhớ.
  • Suy giảm thị lực: glucose máu tăng cao gây tăng áp lực thẩm thấu của của mạch máu, điều này sẽ có thể tác động tiêu cực đến các mạch máu nhỏ, dễ gây nhòe, mờ, mỏi mắt. Nếu đường huyết không được kiểm soát kéo dài, có thể dẫn đến vỡ các mạch máu nhỏ ở võng mạch. Cuối cùng có thể dẫn đến mù lòa do tiểu đường.
  • Chậm liền vết thương: Glucose máu cao gây tổn thương mạch máu và thần kinh nên có thể làm chậm lành các vết thương. Thậm chí, người tiểu đường có thể bị hoại tử dù chỉ xuất phát từ một vết thương nhỏ. Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm do tiểu đường gây ra, có thể dẫn đến cắt cụt chi và khiến người bệnh tàn phế vĩnh viễn.
nhan biet nuoc tieu cua nguoi tieu duong
Người tiểu đường có thể có rất nhiều dấu hiệu sớm cảnh báo

Để nhận biết sớm bệnh tiểu đường, ngoài ghi nhớ các dấu hiệu đặc trưng của nước tiểu người bị tiểu đường và các dấu hiệu khác thì điều quan trọng nữa nhất định phải làm đó là nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng – 1 năm/lần.

Bệnh tiểu đường thật sự là một mối lo ngại cho sức khỏe của chúng ta hiện nay khi tỷ lệ mắc ngày một tăng và cả những người trẻ tuổi cũng có thể mắc tiểu đường tuýp 2 từ rất sớm. Do đó, chủ động phòng tránh tiểu đường là cách tốt nhất bạn có thể làm ngay từ bây giờ.

Với người đã mắc tiểu đường, bạn cũng hoàn toàn có thể kiểm soát đường huyết và sống cuộc sống khỏe mạnh bình thường nếu tuân thủ đúng các hướng dẫn của bác sĩ. Cũng nên lưu ý là, tiểu đường không phải là dấu chấm hết và cũng không có nghĩa là bạn phải ăn kiêng ngọt. Hãy ăn uống theo chế độ lành mạnh, nhiều chất xơ, ưu tiên đạm thực vật. Đồng thời, hãy gia tăng dinh dưỡng, nâng cao đề kháng chủ động với các sản phẩm không đường, nhiều chất xơ như sữa hạt ngũ cốc không đường.