Tắc tia sữa là hiện tượng khá phổ biến ở những bà mẹ sau khi sinh con lần đầu chưa có kinh nghiệm. Tắc tia sữa kéo dài có thể dẫn đến viêm hoặc áp-xe. Tuy nhiên, tắc tia sữa hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị tại nhà nếu phát hiện sớm bằng những cách đơn giản, tránh để kéo dài sẽ hạn chế những biến chứng nguy hiểm.
1. Nguyên nhân gây tắc tia sữa
Tắc tia sữa là tình trạng sữa mẹ bị giữ lại bên trong các ống dẫn sữa ở bầu ngực, việc này khiến bé bú cũng như hút sữa để tích sữa bình thường gặp nhiều khó khăn. Tắc sữa không quá nguy hiểm, tuy nhiên nếu không kịp thời can thiệp, sữa tắc lâu ngày có thể dẫn đến viêm nhiễm, áp xe hoại tử vú. Tắc sữa cũng là nguyên nhân gây mất sữa tạm thời hoặc vĩnh viễn nên không được chủ quan.
Nguyên nhân gây tắc tia sữa có thể kể đến như sau:
- Bé bú không đúng cách
Khi không ngậm bắt vú mẹ đúng bé sẽ không bú đủ lượng sữa mẹ được sản xuất ra, khiến sữa mẹ vẫn còn ứ đọng trong bầu ngực chính là nguyên nhân dẫn đến tắc tia sữa.
Vì thế, khi cho bé bú, mẹ cần cho bé bú hết sữa một bên vú trước. Sau đó mới chuyển sang bên còn lại. Nếu trường hợp bé bú đã no mà mẹ vẫn còn dư sữa, có thể dùng máy hút sữa để lấy hết lượng sữa này ra ngoài. Sữa mẹ có thể được trữ đông bảo quản để sử dụng cho lần sau.
- Mẹ không cho bé bú thường xuyên
Một số trường hợp như mẹ đi làm sớm, hoặc do sức khỏe dẫn đến việc cho bé không thường xuyên. Dẫn đến sữa tiết ra được giữ lâu trong tuyến vú (khoảng 5 giờ đến 1 ngày) rất dễ dẫn đến tắc tia sữa.
Vì thế, nếu không sắp xếp được công việc hoặc do bệnh, mẹ có thể dùng máy hút sữa hoặc vắt sữa bằng tay để lấy hết sữa ra ngoài nhé!
- Hút sữa không đúng cách
Hiện nay, máy hút sữa đang là một công cụ phổ biến, hỗ trợ mẹ sau sinh. Trong trường hợp sử dụng đúng cách, máy hút sữa có thể giúp kích thích sữa về nhiều hơn. Ngược lại, nếu mẹ điều chỉnh lực hút không phù hợp, hút không hết sữa có thể dẫn đến sữa mẹ vẫn còn đọng lại dễ gây tắc tia sữa. Hoặc nếu mẹ hút quá lâu, quá nhiều, đồng thời điều chỉnh lực hút quá mạnh thì sẽ có thể gây ra tình trạng mất sữa.
- Tắc tia sữa do mẹ bị stress
Yếu tố tâm lý cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất sữa mẹ, nếu mẹ quá căng thẳng sẽ làm chậm quá trình sản sinh oxytocin – một loại hormone có nhiệm vụ kích thích vú tiết sữa. Tình trạng này thường gặp ở những chị em lần đầu làm mẹ khi chưa thích nghi với cuộc sống có thêm thành viên mới.
Mẹ uống ít nước, đang bị bệnh hoặc không được nghỉ ngơi đủ cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tắc tia sữa. Ngoài ra, có thể do mẹ mặc áo ngực quá chật hoặc chất liệu chưa phù hợp cũng có thể dẫn đến tình trạng này.
2. Triệu chứng của tắc tia sữa là gì?
Tình trạng tia sữa bị tắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào dù mẹ mới bắt đầu cho con bú hoặc đã cho con bú được một thời gian. Vì thế, mẹ cần lưu ý những dấu hiệu dưới đây để nhận biết sớm tình trạng tắc tia sữa và can thiệp điều trị kịp thời, bao gồm:
- Mất sữa sau sinh hoặc tiết sữa rất ít, kể cả khi mẹ chủ động vắt sữa.
- Ngực căng cứng và to hơn so với bình thường, càng lúc càng căng cứng và to hơn, đi kèm với cảm giác đau nhức.
- Sờ vào đầu vú cảm giác có một hoặc nhiều cục cứng.
- Ngữ sưng nóng và đỏ, một số trường hợp có kèm sốt.
3. Cách chữa tắc tia sữa tại nhà
Mục tiêu của giảm tắc tia sữa là làm sao để tan các cục sữa bị đông vón để khơi thông dòng sữa càng sớm càng tốt. Với tắc tia sữa mới không quá nghiêm trọng, có thể dùng biện pháp điều trị đơn giản tại nhà như:
- Vắt sữa bằng tay hoặc máy với lực lớn hơn để thông tia. Tuy nhiên, cần lưu ý là phải kiểm soát lực hút để tránh làm tổn thương tuyến vú hoặc gây vỡ các vi mạch ở ngực, dễ gây xuất huyết vào sữa.
- Chườm ấm: Trước khi cho bú, mẹ có thể dùng khăn ấm đắp lên hai bên ngực để giúp các cục sữa đông dễ tan ra. Mẹ có thể kết hợp massage nhẹ nhàng để hỗ trợ làm giảm nhanh tắc tia sữa. Mẹ lưu ý là không chườm quá nóng vì sẽ gây bỏng da.
- Massage ngực: Mẹ có thể massage ngực với một lực vừa đủ từ bên trong và dần ra đầu ti. Thực hiện bằng cách dùng 2 lòng bàn tay xoa bóp nhẹ nhàng 2 bầu ngực (khoảng 30 giây) rồi dùng 5 ngón tay chụm lại vê quầng vú. Mẹ nên kết hợp với chườm ấm và massage ngực để đạt hiệu quả cao. Thời điểm là massage là bất cứ khi nào có thời gian, có thể trước, trong và sau khi cho bé bú.
- Đối nhiều tư thế khi cho con bú: Mỗi tư thế bú sẽ tác động lực hút mạnh nhất trên những tia sữa khác nhau. Trong trường hợp tắc sữa nhẹ, mẹ nên thay đổi tư thế bú của bé thường xuyên để làm thông tia. Trong khi cho bú tiếp tục kết hợp massage nhẹ nhàng lên vùng bị tắc.
Tuy nhiên, nếu tắc tia sữa kéo dài và kèm theo sốt cao, viêm tuyến vú hoặc áp-xe, mẹ nên thăm khám sớm để được bác sĩ hướng dẫn và điều trị, tránh các biến chứng nguy hiểm mẹ nhé!