Đột quỵ – một trong những vấn đề của xã hội hiện đại. Đột quỵ không còn là bệnh lý nguy hiểm hay gặp ở người lớn tuổi, mà có xu hướng ngày một trẻ hóa, bất kỳ ai cũng có thể gặp phải bệnh lý này. Vậy, đột quỵ là gì, dấu hiệu cũng như làm thế nào để phòng tránh đột quỵ? Hãy cũng tìm hiểu qua bài viết này.

1. Đột quỵ là tình trạng như thế nào?

Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết.

qot quy nguyen nhan trieu chung cach so cuu

Có 2 loại đột quỵ là đột quỵ do thiếu máu và đột quỵ do xuất huyết:

  • Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Chiếm khoảng 80-85% tổng số các ca bị đột quỵ hiện nay. Đây là tình trạng đột quỵ do các cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch, cản trở quá trình máu lưu thông lên não.
  • Đột quỵ do xuất huyết: Đây là tình trạng mạch máu đến não bị vỡ khiến máu chảy ồ ạt gây xuất huyết não. Nguyên nhân khiến mạch máu vỡ là do thành động mạch mỏng yếu hoặc xuất hiện các vết nứt, rò rỉ.

Đột quỵ là một tình trạng cần cấp cứu ngay lập tức, càng để lâu thì tiên lượng sống càng thấp. Hầu hết những người sống sót sau cơn đột quỵ đều có sức khỏe suy yếu hoặc mắc các di chứng như: tê liệt hoặc cử động yếu một phần cơ thể, mất ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, thị giác suy giảm…

2. Nguyên nhân gây ra đột quỵ

Như có đề cập ở trên, hai nguyên nhân chủ yếu gây nên hiện tượng đột quỵ là do thiếu máu cục bộ (tắc nghẽn động mạch) hoặc do xuất huyết não (mạch máu bị vỡ).

qot quy nguyen nhan trieu chung cach so cuu

Trong khi đó, các yếu tố được xem là nguy cơ có thể dẫn đến đột quỵ như:

  • Mắc các các bệnh lý tim mạch như hở van tim, rung tâm nhĩ, nhịp tim không đều, suy tim,…;
  • Mắc các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu,…
  • Tiền sử cá nhân hoặc gia đình đã từng bị đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua hoặc bệnh tim;
  • Lạm dụng các chất kích thích như uống nhiều rượu, sử dụng ma túy;
  • Người hút thuốc lá chủ động hoặc hít phải khói thuốc lá thụ động, gặp tình trạng khói thuốc lá dẫn đến mỡ tích tụ trong động mạch, tăng nguy cơ máu đông;
  • Người thừa cân, béo phì, ít vận động tập thể dục;
  • Chế độ ăn uống không hợp lý, lượng Cholesterol cao;
  • Về tuổi tác, người trong nhóm tuổi từ 55 tuổi trở lên có nguy cơ cao hơn;
  • Nam giới có tỷ lệ mắc đột quỵ cao hơn nữ giới,
  • Việc sử dụng thuốc tránh thai hay các liệu pháp điều chỉnh hormone, thay đổi nội tiết tố cũng làm tăng nguy cơ gây bệnh.

3. Dấu hiệu nhận biết đột quỵ

Để dễ nhớ cũng như dễ nhận biết trong cộng đồng để giúp nhận biết tình trạng đột quỵ, các y bác sỹ đã tổng hợp lại các dấu hiệu đặc trưng nhất gọi là quy tắc FAST để phát hiện sớm đột quỵ:

  • Face: Mặt mất cân đối, méo xệ một bên miệng. Yếu hoặc tê một bên mặt.
  • Arm: Yếu, liệt một bên tay hoặc chân. Có thể yêu cầu nâng cả 2 tay lên, nếu bên nào nâng yếu hoặc rơi xuống trước cho thấy có bất thường.
  • Speech: Khó khăn khi nói, giọng nói không được tròn, rõ, không lưu loát hoặc không thể nói được thì đây chính là dấu hiệu bất thường của đột quỵ.
  • Time: Thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ là 3-4 giờ từ khi bắt đầu có các triệu chứng trên.

qot quy nguyen nhan trieu chung cach so cuu

Ngoài ra, các dấu hiệu cảnh báo sớm đột quỵ rất dễ bị bỏ qua hay lặp đi lặp lại nhiều lần trước đó khoảng 1 đến 4 tuần:

  • Hoa mắt, chóng mặt, người mất thăng bằng đột ngột, không phối hợp được các hoạt động.
  • Thị lực giảm, mắt mờ, không nhìn rõ.
  • Đau đầu dữ dội, cơn đau đầu đến rất nhanh, có thể gây buồn nôn hoặc nôn.

Người bị đột quỵ có thể có một vài dấu hiệu trên. Tùy thể trạng sức khỏe của mỗi người mà dấu hiệu đột quỵ khác nhau. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) với các triệu chứng giống hệt đột quỵ nhưng chỉ xảy ra trong vòng vài phút. Cơn thiếu máu não thoáng qua là dấu hiệu cảnh báo tình trạng đột quỵ sắp xuất hiện, có thể là trong vòng vài ngày hoặc một tháng sắp tới.

4. Các bước sơ cứu người bị đột quỵ tại nhà

Việc sơ cứu đột quỵ cách sẽ giúp giảm nguy cơ tử vong do đột quỵ. Thời gian “vàng” trong cấp cứu đột quỵ chỉ có 3-4 giờ. Do đó, đầu tiên khi phát hiện người bị đột quỵ, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.

Các bước sơ cứu người đột quỵ tại nhà như sau:

  • Trong thời gian chờ cấp cứu đến thì để phần đầu và lưng của bệnh nhân nằm nghiêng 45 độ so với cơ thể để phòng tránh bị sặc đường thở;
  • Mặc quần áo rộng, thoáng, mở phần cổ áo để kiểm tra hô hấp của người bệnh. Trong trường hợp người bệnh ngừng tim thì tiến hành xoa bóp tim ngoài lồng ngực;
  • Dùng khăn tay để quấn vào ngón tay trỏ và lấy sạch đờm, dãi trong miệng người bệnh. Trong trường hợp người bệnh bị co giật thì phải lấy chiếc đũa đã được quấn lớp vải để ngáng ngang miệng không cho người bệnh cắn vào lưỡi;
  • Ghi chú lại thời điểm người bệnh khởi phát biểu hiện đột quỵ bất thường;
  • Ghi chú lại những loại thuốc mà người bệnh đang dùng hoặc mang theo đơn thuốc đang có.

Lưu ý là khi thực hiện sơ cứu đột quỵ tại nhà:

Thứ nhất, tuyệt đối không cho bệnh nhân sử dụng thuốc hay ăn uống bất cứ thứ gì, không dùng kim chích 10 đầu ngón tay hay chân của người bệnh, không cạo gió.

Thứ hai, không tự ý dùng thuốc hạ áp hay ngậm thuốc huyết áp dưới lưỡi. Bởi vì đột quỵ có hai dạng đột quỵ do thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não, nếu bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu thì khi ngậm thuốc dưới lưỡi sẽ làm tuột huyết áp nghiêm trọng hơn, các tĩnh mạch càng thiếu máu, làm tăng nguy cơ tử vong hơn.

5. Cách phòng tránh đột quỵ

Đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai chứ không riêng gì nhóm người lớn tuổi. Do đó, việc phòng tránh đột quỵ là giải pháp hiệu quả giúp bảo vệ cho bản thân và những người xung quanh. Một lối sống lành mạnh và một chế độ ăn uống khoa học sẽ cần thiết cho tất cả mọi người:

Chế độ dinh dưỡng:

  • Cân bằng dinh dưỡng với các nhóm đạm, chất béo, chất xơ, tinh bột,… phù hợp. Trong đó, nhóm rau củ quả nên chiếm khoảng 50% khẩu phần ăn.
  • Ưu tiêu sử dụng nguồn ngũ cốc nguyên cám thay vì loại tinh chế. Sử dụng ngũ cốc nên lựa chọn nhóm có chỉ số đường huyết thấp.
  • Nên ăn nhạt, giảm muối và giảm đường, đặc biệt cần thiết cho người tăng huyết áp và các bệnh lý thận.
  • Sử dụng cá chứa nhiều omega-3 và các chất béo không no nhằm giảm thành phần cholesterol xấu trong máu, giảm xơ vữa mạch hay quá trình hình thành các cục máu đông.
  • Nên tránh các loại thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ,… vì chứa nhiều đường, muối và chất béo xấu không tốt cho sức khỏe.
  • Không uống đồ uống có cồn, rượu, bia, chất kích thích,….

Lối sống lành mạnh:

  • Tập thể dục mỗi ngày: nên duy trì mỗi ngày 30-60 phút rèn luyện sức khỏe. Có thể lựa chọn hình thức rèn luyện sức khỏe phù hợp với thể lực cũng như thời gian của bản thân. Với người lớn tuổi nên chọn các bộ môn nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe đạp, yoga, thiền định, dưỡng sinh,…

qot quy nguyen nhan trieu chung cach so cuu

  • Kiểm soát stress và các áp lực trong cuốc sống.
  • Bỏ hút thuốc lá.
  • Ngủ đủ giấc mỗi ngày.
  • Không tắm quá khuya, không tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh.

Chăm sóc y tế:

  • Tuân thủ chỉ định của bác sĩ: dùng đủ thuốc, đúng thuốc và đủ liều theo đúng hướng dẫn của bác sĩ nếu có các bệnh lý nền. Việc kiểm soát tốt các bệnh lý nền, đặc biệt là tăng huyết áp, chính là cách phòng ngừa đột quỵ hiệu quả.
  • Khám sức khỏe định kỳ: Theo đó, nên thực hiện kiểm tra định kỳ cho sức khỏe 2 lần/năm hoặc tối thiểu là 1 lần/năm. Với người đang mắc các bệnh lý mạn tính thì tần suất thực hiện các kiểm tra sức khỏe định kỳ có thể nhiều hơn.

Đột quỵ là bệnh lý nguy hiểm và chúng ta cần quan tâm cũng như ghi nhớ các triệu chứng để có thể hỗ trợ được cho người khác khi cần thiết. Để phòng ngừa đột quỵ xảy ra, hãy thay đổi lối sống một cách tích cực và thăm khám chuyên khoa Nội thần kinh để được dự phòng cách yếu tố nguy cơ.